top of page

HÀNH TRÌNH "NHÌN THẤY" HAI CHỮ HOÀ BÌNH

Những ngày gần đây, cả nước, đặc biệt là Sài Gòn sống trong một bầu không khí đặc biệt nhờ vào một sự kiện đặc biệt trọng đại của đất nước - Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, giải phóng miền Nam (30/04/1975 - 30/04/2025).


Bầu không khí đặc biệt đó được tạo ra từ những buổi diễn tập trên không và những màn trình diễn diễu hành ở trung tâm thành phố. Quá trình diễn tập này nhận được sự quan tâm của gần như mọi người dân lúc này, từ báo chí truyền thông chính thống, đến bảng biểu ngoài đường và nhất là trên mạng xã hội. Bên cạnh những hình ảnh nam thần, mỹ nữ trong quân đội làm khuấy động cư dân mạng, thì những hình ảnh, video về quá trình tập luyện của các chiến sỹ tham gia cũng phần nào cho thấy mức độ quan trọng, sự đầu tư, sự nghiêm túc chuẩn bị và cả sự tự hào của tất cả những ai tham gia vào sự kiện này. Chính cái năng lượng đó, tinh thần đó khiến người dân cả nước mong chờ đón xem những màn trình diễn ấn tượng vào ngày 30/04.


Nhưng thật ra, bên cạnh sự khổ luyện của các chiến sỹ, quân nhân trẻ, điều khiến tôi cảm thấy xúc động nhất chính là nhìn thấy tinh thần, năng lượng của các cụ ông, cụ bà - những người đã thật sự dấn thân vào những trận chiến khốc liệt, vang danh cả thế giới cùng tham gia vào sự kiện. Như câu chuyện của cựu chiến binh - ông Thanh, người ông đã gần 80 tuổi đã quyết định thực hiện một hành trình “phượt” 1.300 km bằng xe máy từ Vinh vào Sài Gòn để tham dự sự kiện này. Câu chuyện của ông cùng câu nói “Tôi đi ngắm hoà bình của đất nước” khiến tôi thật sự xúc động và rơi nước mắt khi nhìn thấy những hình ảnh và video ngắn ghi lại hành trình của ông.



"
"


Ông Thanh cùng "chiến mã" 25 năm trên một hành trình đầy ý nghĩa và đáng ngưỡng mộ!
Ông Thanh cùng "chiến mã" 25 năm trên một hành trình đầy ý nghĩa và đáng ngưỡng mộ!



Đọc tin về cụ, tôi chợt nhớ đến câu "Sống một cuộc đời oai phong, lẫm liệt'. Câu này thường nghe trong mấy phim kiếm hiệp hồi xưa. Giờ câu chuyện của cụ khiến tôi nhớ lại câu nói này. Không thể nào đúng hơn. Gần 80 tuổi, đi dọc đường đất nước một lần nữa trên chiếc xe máy, lần này không phải đến chiến đấu mà để nhìn thấy vẻ đẹp của non sông, đất nước, của hoà bình.

Quả thật là cụ đã sống một cuộc đời oai phong, lẫm liệt, khiến con cháu phải nghiêng mình thán phục, phải cúi đầu trước một tượng đài, một người đàn ông, một nam nhi đại trượng phu đúng nghĩa.





50 năm, hơn một nửa đời người, đủ để mỗi người viết nên một quyển sách đời mình, ghi lại tất cả những thăng trầm của cuộc sống, những sự kiện lớn đã xảy ra, những ngã rẽ, những chia xa, hội ngộ, nỗi đau dù hiện rõ hay chôn giấu, niềm hạnh phúc có thể diễn tả bằng lời hoặc không. Đó là với những người sống ở thời bình. Còn với những ai đã đi qua những năm tháng chiến đấu khốc liệt, chứng kiến bao nhiêu điều có thể kể lẫn những điều không thể nói, như ông bà ta, như các thế hệ đi trước thì quyển sách cuộc đời đó chắn chắn còn tạo ra những dư chấn mạnh mẽ, khó phai cho người đọc.


Người ta thường quan tâm đến câu chuyện cuộc đời của những người nổi tiếng vì những thành tựu của họ, đó cũng là lẽ thường tình. Nên câu chuyện của những người hùng thầm lặng, thường dân khác dù còn sống hay đã nằm xuống ít khi được để tâm. Ít được quan tâm vì có thể truyền thông ít dành thời gian để tìm hiểu, đào sâu, dành thời gian tìm đến các vị để lắng nghe, để ghi chép, để truyền tải lại cho các thế hệ sau. Ít được quan tâm vì cũng có thể các ông các cụ chọn sự lặng yên để bình tâm mà sống sau những ngày tháng “quên mình” ở chiến trường. Khi đã đi qua quá nhiều khổ đau, mất mát, người ta sẽ trân quý cái sự bình yên giản dị nhất, những gì đơn giản nhất mà mình có được. Còn sống, còn nhìn thấy người thân thương là được.


Hoà bình đâu chỉ là điều đất nước mong muốn, hoà bình còn là điều mà mỗi người đều muốn có được bên trong tâm trí của mình. Sống hoà bình với những mất mát lớn, sống hoà bình với những ký ức đau thương, sống hoà bình với những vết thương sâu bên trong mình chưa bao giờ là điều dễ dàng, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều so với việc chữa lành một vết thương thể chất.

Sức khoẻ tinh thần đã trở thành một vấn nạn toàn cầu của người trẻ, bao gồm cả thế hệ trẻ của Việt Nam. Tôi tự hỏi, những thử thách tinh thần của chúng ta ở thời bình, nếu so với các ông bà ở thời chiến sẽ như thế nào? Dù biết sự so sánh nào cũng khập khiễng, mỗi thế hệ đều có những vấn đề phải đối mặt từ bối cảnh xã hội trong thời kỳ đó. Nhưng tôi vẫn tin rằng, với những gì các thế hệ trước đã đi qua, thử thách tinh thần khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những gì khiến chúng ta gục ngã bây giờ.


“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Hơn ngàn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, có khói lửa, có lắm gian nan để tôi luyện sức chịu đựng và rèn luyện sức mạnh tinh thần cho nhiều thế hệ. Không chỉ là câu chuyện của quá khứ, ngay lúc này, ở những đất nước xa xôi, chiến tranh vẫn diễn ra. Những hình ảnh đau thương, kinh khủng từ cuộc chiến được lan truyền mọi nơi. Khi chúng ta nhìn vào những hình ảnh đó, tự nhiên sẽ có một suy nghĩ “May mắn là mình đang sống trong hoà bình.”



Một chiều hoàng hôn bình yên của Sài Gòn hòa bình.
Một chiều hoàng hôn bình yên của Sài Gòn hòa bình.

“Sống trong hoà bình” có lẽ cũng là một động lực, một nguồn sức mạnh lớn để nuôi dưỡng tình yêu - những tình yêu thật sự, những tình yêu mà giới trẻ bây giờ mỗi khi thấy trên mạng xã hội đều comment là “Chỉ biết ước”. Hoá ra dù ở thời đại nào, thì người ta vẫn khao khát có được một tình yêu đúng nghĩa. Nhưng phàm là con người, giữa cái chúng ta khao khát với thứ chúng ta hướng đến có thể là hai con đường khác nhau, hoặc ngay cả khi có được cái chúng ta đã từng khao khát có, chúng ta cũng không biết nuôi dưỡng nó thế nào - vì chúng ta muốn có vàng chứ không muốn chạm tay vào lửa, muốn có “sẵn sức” nhưng luôn ngại “gian nan”. Hoà bình đi cùng sự phát triển mang đến cho chúng ta sự tiện nghi, tiện nghi khiến chúng ta chùn bước trước gian nan, thử thách trong giữ gìn một mối quan hệ có nhiều điều kiện hơn hẳn so với tình yêu của ông bà ta ngày trước.


Khi tôi đọc những lá thư của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi cho vợ mình trong những ngày xa cách vì chiến tranh, hay khi đọc bài viết về hai ông bà đã hẹn ước chờ nhau mấy chục năm cho đến khi hoà bình, cùng nhiều nhiều những câu chuyện tình đẹp như thơ ở thời chiến của các ông các bà, tôi luôn tràn ngập cảm xúc, thấy hạnh phúc được lan toả qua những con chữ và hình ảnh, thấy tình yêu đúng nghĩa thật quyền năng, thấy giữ niềm tin vào tình yêu thì không bao giờ sai cả. Và lần nào mắt tôi cũng ươn ướt. Thích thật. Tôi thấy việc mình vẫn còn những rung cảm mạnh mẽ với những câu chuyện đẹp là một món quà đặc biệt mà tôi rất trân quý. Tôi thấy tâm hồn mình được nuôi dưỡng từ quá khứ cho đến hiện đại, thông qua câu chuyện của những người khác.



Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các con. Nguồn: Báo Dân Trí
Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các con. Nguồn: Báo Dân Trí

Thư Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi cho bà Nguyễn Thị Cúc (tức Tâm). Nguồn: Hoalo.vn
Thư Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi cho bà Nguyễn Thị Cúc (tức Tâm). Nguồn: Hoalo.vn

Trích đoạn một bức thư tình yêu của Đại tướng gửi người vợ thân yêu. Nguồn: Thư tình thực chiến cho người dốt Văn
Trích đoạn một bức thư tình yêu của Đại tướng gửi người vợ thân yêu. Nguồn: Thư tình thực chiến cho người dốt Văn

"Ngày 23-7-1950,


Em Cúc,


Anh vừa nhận được thư của Cúc do anh Nguyên đưa ra. Cúc ạ, mấy tháng nay cứ đợi hoài trông thư Cúc. Chị Hà có gửi thư cho nhưng mà Cúc ít gửi cho anh. Cúc này, anh mong thư Cúc cứ hỏi Chắt (chiến sĩ cần vụ) sao Cúc không gửi thư? Chúng nó bảo có lẽ bị thất lạc. Anh không tin thế.


Anh đã gửi ít nhất là 8 lá thư rồi. Lần này nhận được chỉ mấy hàng chữ của Cúc, đang ₫au mà hết. Nghĩ mãi, đêm nay không ngủ được. Cúc sợ anh biết Cúc ₫au sẽ lo hay sao mà không viết thư? Sao thế! Gửi thư cho anh biết sức khỏe của em sau khi sinh đẻ. Không nhận được thư Cúc anh rất áy náy, không biết mình ăn ở với vợ con như thế nào. Em cũng biết, nhớ mong nhiều hay sinh ra nghĩ thế này thế khác.


Cúc ơi, năng gửi thư cho anh.


Nói thế nào cho hết tâm trạng của Thanh, cứ ngủ là mơ thấy Cúc và con… Có lẽ sau khi đau tâm trạng anh sinh nhiều chuyện. Tính có hay gắt hơn trước.


Mong làm sao cho Cúc và con khỏe. Anh nghe lời Cúc không làm quá sức, Cúc đừng lo cho anh.

Cúc luôn gửi thư cho anh là anh vui đấy nhé. Anh không giận Cúc đâu.


Hôn Cúc và con.”



Gần như trong tất cả những nội dung đó, mong muốn vợ, con, người yêu , gia đình, người thân được sống trong hoà bình là một trong những động lực lớn nhất của họ. Động lực để một người chiến đấu, động lực để một người chờ đợi. Thời bây giờ, chúng ta không có những động lực như thế, nên cũng rất ít những câu chuyện tình đẹp như vậy.



Câu chuyện tình yêu thời chiến tuyệt đẹp của ông Thắng & bà Ánh.

Chỉ có thời gian và khoảng cách mới cho chúng ta nhìn thấy rõ và hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của một tình yêu thật sự. Thời gian là thử thách và thời gian sẽ nói lên tất cả.

Ở tuổi 39, cuộc đời cũng trải qua nhiều biến cố, từ lúc còn thơ ấu cho đến khi trưởng thành, tôi càng thấy điều này đúng. Có những bài học cuộc đời phải nhiều năm sau tôi mới nhìn thấy được, có những người phải nhìn năm sau tôi mới “nhìn thấy” họ, và cũng ngần ấy năm tôi mới nhìn thấy mình. Cái sự “nhìn thấy” đó không phải bản thân muốn có thể chủ động được. Nó cần sự kiện, cần thời điểm và cần cả sự hoà bình bên trong chính mình.


Thế nên, tôi thật sự tò mò, trên hành trình 1.300 km vào Sài Gòn, trong tâm trí của cụ Thanh sẽ hiện lên những hình ảnh gì, cảm xúc của cụ sẽ ra sao. Hoà bình của đất nước, không khí của đất nước lúc này có giúp cho hoà bình bên trong cụ được vững vàng hơn, yên bình hơn.


Hành trình này với tôi xứng đáng trở thành một bộ phim phóng sự được kể bằng hai thế giới cùng hướng đến hai chữ “hoà bình”.


Ở tuổi của cụ, gần 80 năm cuộc đời, tôi nghĩ ý nghĩa của hai chữ “hoà bình”, cụ gần như đã lĩnh hội.


Ở tuổi của tôi, một người sinh ra và lớn lên trong thời bình. Hai chữ “hoà bình” bên trong tôi vẫn chưa rõ nét. Đôi lúc tôi cũng tự hỏi “mình phải cố gắng thế nào mới là đủ?” hay “mình phải chiến đấu với cuộc sống đến bao giờ mới thôi?”. Những câu hỏi thoáng qua thôi, không ở lại lâu nhưng cũng đủ để tôi nhận ra sự hoà bình bên trong mình vẫn còn là một hành trình cần được làm rõ.


Hành trình đó cần thời gian, có khi là nhiều thời gian. Nhưng thôi không sao cả, một người sinh ra và lớn lên ở thời bình, tại Sài Gòn thì cũng không nên than vãn gì nhiều về cuộc sống.


Vì thời gian, chỉ có thể là thời gian sẽ nói lên tất cả.


Nếu may mắn, biết đâu, ở gần tuổi 80, tôi, chúng ta sẽ ngồi nhìn lại quyển sách của đời mình, một cuộc đời vẻ vang theo cách riêng của mỗi người.


Một cuộc đời chân chạm đất, đầu ngẩng cao, miệng vẫn cười, tâm sống hoà bình sau tất cả.


Như cụ ông, trên hành trình 1.300 km đó, điều ông nhận lại được sẽ là những kỷ niệm thật đẹp, sự yêu thương hỗ trợ của mọi người trên đường, sự ngưỡng mộ và cảm phục của người dân cả nước.


Ông đã sống một cuộc đời oai phong lẫm liệt. Và một lần nữa, ông lại đi trên hành trình - hành trình “nhìn thấy” hai chữ hoà bình.


Còn hành trình hòa bình của riêng tôi, chắc sẽ còn học thêm.



Comments


© 2023 by Designtalk. Proudly created with Wix.com

bottom of page