top of page

NHẬN DIỆN VÔ THƯỜNG ĐỂ ỨNG XỬ TRONG CÔNG VIỆC

Thỉnh thoảng, khi ngồi ngẫm lại, mình tự hỏi điều gì đã xây dựng nên con người như mình của hiện tại sau quãng đường công việc đã qua?


Hồi mới ra trường, khi bắt đầu công việc, mình chẳng mường tượng được rằng công việc mình làm sẽ dẫn đến đâu. Có lẽ vì chẳng có kinh nghiệm gì nhiều, nên mình cố gắng hoàn thành những công việc được giao, ngay cả khi những thứ mình chẳng hiểu rõ mục đích cuối cùng. Nhưng ngẫm lại, chính những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại rất quan trọng.


Ví dụ, hồi mình mới làm dự án, khi nhận bàn giao hồ sơ bản vẽ từ một chị đồng nghiệp. Chị chỉ tay vào một căn phòng và nói gọn lỏn: “Đây là hồ sơ bản vẽ dự án đó em.” Thế là mình mất khoảng một tuần đâu đó để mày mò sắp xếp, phân loại từng bản vẽ. Mình còn cẩn thận gấp xếp lại, chia theo số hiệu bản vẽ và theo từng bộ môn, rồi xếp chúng vào hộp, dán nhãn chi tiết nội dung bên ngoài, bao gồm cả danh sách các bản vẽ bên trong. Lúc ấy, chẳng ai chỉ mình tuần tự phải làm như vậy, nhưng mình nghĩ, với mớ bản vẽ ngổn ngang này, làm sao mình và người khác có thể tra cứu, thống kê sau này? Vậy là mình cứ tự mình mày mò, sắp xếp. Rồi dần dà, mình hiểu được rằng trong mỗi giai đoạn của dự án cần những loại hồ sơ bản vẽ nào (phòng cháy chữa cháy, thiết kế cơ sở, bản vẽ xây dựng theo từng đợt phát hành, bản vẽ triển khai chi tiết…)


Kiểu vậy, từ những việc nhỏ nhất, mình cũng cố gắng làm sao cho tốt nhất có thể. Và theo thời gian, mình nhận ra những cơ duyên, những lời chỉ bảo quý báu từ người đi trước, thậm chí cả cơ hội thăng tiến, đều nảy sinh từ việc mình làm mọi thứ tận tâm. Mình không quen với sự ganh đua, đấu đá nơi công sở, thay vào đó, điều mình thường làm là quan sát và học hỏi từ họ. Mình còn nhớ ông sếp cũ còn khuyên mình, rằng ổng có nhiều cái chưa tốt, nên là cứ học thấy cái điều chưa tốt từ ổng mà tránh đừng lặp lại.


Từ ngày đi làm đến giờ, hễ việc gì nằm trong khả năng, mình đều dốc sức làm cho thật chỉn chu. Triết lý làm việc của mình giản dị như vậy.



Mình xem công việc như một phần của cuộc sống. Thay vì cố gắng leo cao bằng những mưu mẹo, mình chọn cách bước từng bậc thang bằng sự nỗ lực. Con đường ấy có thể dài hơn, như việc bạn đi từng nấc thang thay vì nhảy cóc lên ba bốn bậc một bước. Nhưng mình trân trọng quá trình đó, và quan trọng là mình không bỏ lỡ việc tích lũy những kiến thức và sự thấu hiểu cần thiết. Kinh nghiệm không chỉ là việc giải quyết một vấn đề như thế nào, mà còn là khả năng tìm ra cách giải quyết tốt hơn, ngay cả khi chưa từng trải qua. Kinh nghiệm còn được tích lũy qua việc nhìn nhận bản chất của sự việc, thấu hiểu nguyên nhân và hệ quả, để từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả.


Trong khoảng 10 năm đầu sự nghiệp, mình gặp được nhiều kiểu người. Với mỗi người, mình không có cách “đối phó” nào đặc biệt cả. Đơn giản là, với từng người, mình chọn một cách giao tiếp phù hợp. Vậy nên, 10 năm trước hay 10 năm sau, con người của mình trong công việc cũng đơn giản như vậy. Tập trung vào những việc mình có thể làm, có thể giải quyết, và cố gắng giải quyết một cách công tâm và cân (công) bằng lợi ích của các bên.


Nói vậy, điều mình thực sự muốn nói ở đây là vì sao mình nhận thức được “sự đơn giản” trong cách đối nhân xử thế của mình? Bên cạnh những cuốn sách đã đọc, những trải nghiệm và bài học đã qua, mình nghĩ có lẽ mình hiểu được một phần nào đó sự vô thường trong cuộc đời này. Và bởi công việc cũng là một phần của cuộc sống, mình quán chiếu sự vô thường vào những hành động, từng mối quan hệ nơi công sở.


Hiểu rằng vô thường tức là mọi hiện tượng hữu vi đều không ngừng thay đổi và chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Vô thường, chính là nền tảng cho sự thấu hiểu về khổ đau, vô ngã và duyên khởi. Sự tương tác không ngừng của các nhân và duyên đảm bảo rằng không có gì giữ nguyên trạng thái. Sau này, mình nghĩ, cách mình vượt qua những định kiến về người khác hay những phản ứng tiêu cực của người khác với mình là: mình chẳng “để bụng” điều gì cả. Ngay cả con người trước mặt mình cũng là vô thường, từng lời nói, hành động và cảm xúc của họ trong một khoảnh khắc đều chỉ là nhất thời, tạm bợ, vậy thì hà cớ gì mình lại khởi tâm sân si, ganh ghét? Hiểu được tính tương liên được nhấn mạnh bởi duyên khởi có thể nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự kết nối, khi chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng sinh và hiện tượng đều chịu sự chi phối của cùng một quy luật vô thường.


Với mình, bằng cách nhận ra bản chất vô thường của mọi sự, mình có thể giảm bớt sự chấp trước, đối diện với những thay đổi một cách bình tĩnh hơn và hướng tới sự hòa giải một cách nhẹ nhàng hơn. Sức mạnh chuyển hóa của việc thấu hiểu vô thường nằm ở khả năng giúp chúng ta nhìn nhận thực tại một cách khách quan và buông bỏ những ảo tưởng về sự vĩnh cửu, từ đó mở ra con đường dẫn đến sự an lạc và tự do nội tại.


Vì thế, cứ mỗi khi gặp những chuyện không như ý trong công việc, mình đều tự nhủ rằng những vấn đề này chỉ là tạm thời, cả những người gây ra điều đó cũng vậy. Ngày mai, biết đâu mọi chuyện sẽ khác đi so với những gì mình tưởng tượng.


Vậy nên, cứ việc gì đến, mình sẽ ứng xử một cách hợp lý nhất trong khả năng của mình, bằng đạo đức và tình thương của mình.


Comments


© 2023 by Designtalk. Proudly created with Wix.com

bottom of page